<May 2024>
SunMonTueWedThuFriSat
2829301234
567891011
12131415161718
19202122232425
2627282930311
2345678
Cỡ chữ:  Thu nhỏ Phóng to
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 12) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Tác giả:

Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 12) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm

Tác giả Hòa thượng Thích Minh Tâm

07/11/201408:26 (Xem : 2349)

* * * * * * * * *


Chùa Khánh Anh sau 30 năm (bài số 12)

          Thời kỳ hoạt động, giai đoạn 1: 1975-1989

          5/ Mở rộng sinh hoạt tín ngưỡng ra phạm vi Âu châu

          Trong một bài trước có nói, nếu chia hoạt động của chùa Khánh Anh trong 30 năm qua ra từng phạm vi như hoạt động trong nước Pháp hay mở rộng ra toàn vùng Âu châu. Đó chỉ là lối chia tạm thời cho có dấu mốc thời gian để nói, chớ trên thực tế thì chồng chéo lên nhau, không thể nào riêng rẽ được. Chẳng hạn hoạt động trong phạm vi nước Pháp được ghi là từ năm 1974 đến năm 1990. Nhưng cũng trong thời gian đó từ năm 1977 đến 2005, các phật sự của chùa Khánh Anh lại mở rộng ra các nước xung quanh.
          Trong phạm vi bài báo ngắn cho kỳ này, chúng tôi chỉ xin ghi lược qua một vài nét khởi đầu cho mỗi nước. Một vài Phật sự nào đáng ghi nhớ. Rồi sau đó chúng tôi sẽ lần lượt trở lại với những chi tiết cụ thể hơn. Nói chung từ mùa Hè 1977 cho đến mùa Thu năm 2005 chúng tôi đã đi qua tất cả là 16 nước ở Âu châu. Có nước đi qua một lần rồi không có nhân duyên trở lại. Nhưng, có nước đến lần đầu đặt cơ sở rồi liên hệ dần dần tổ chức trở thành Giáo hội địa phương trong hệ thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhứt Âu Châu sau này. Có thể nói đó là phần lớn các nước ở Tây Âu.
          Còn các nước phía Đông Âu, sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989 coi như sự khác biệt giao thông không còn nữa. Nhưng cho đến ngày nay, sau 20 năm thống nhất, sự ngăn cách về kinh tế, xã hội, theo bình luận của báo chí, vẫn chưa cân bằng giữa 2 vùng. Về người Việt ở Tây và Đông Âu cũng thế. Số lượng suýt soát bằng nhau, nhưng về sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt tôn giáo, nhất là Phật giáo giữa 2 vùng còn có cái gì vướng mắc chưa thông suốt được. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở các bài khác.
          Trừ trường hợp ở nước Nga. Kể từ khi có sự tiếp xúc đầu tiên vào mùa Xuân 1993. Cho đến khi có Hội Phật Giáo Thảo Đường có Niệm Phật Đường. Cho đến nay, trên 15 năm, mặc dầu bị nhiều áp lực, bị đe dọa đánh phá đủ phía, nhưng vẫn còn liên hệ rất đều với GHPGVNTN Âu châu. Đó là một điều đặc biệt.
          1/- Bắt đầu từ nước Đức vào năm 1977.
          Chúng tôi đến nước Đức, khi nước này còn trong tình trạng chia 2 là Đông Đức và Tây Đức. Trong vùng Đông Đức có thủ đô Bá Linh, cũng chia làm 2: Đông Bá Linh và Tây Bá Linh. Tây Bá Linh nơi có quân Đồng Minh đóng giữ cộng với chánh quyền tự do của Tây Đức cai trị ở đây cho nên mới có tiếp nhận một số đồng bào tỵ nạn Cộng sản Việt Nam vào sinh sống ở giữa vùng Đông Đức Cộng sản này.
          Tôi qua Đức từ 10/8/77 đến 20/8/77 để thăm Đại Đức Thích Như Điển (bây giờ là Hòa Thượng) lúc đó từ Nhật mới sang ở thành phố Kiel. Nhân tiện Thầy đưa tôi đi thăm một số Phật tử ở Hannover rồi Tây Bá Linh. Chính qua lần tiếp xúc này mới tạo nhân duyên để rồi năm sau thuê mướn một Niệm Phật Đường nho nhỏ ở thành phố Hannover và lễ an vị thực hiện vào ngày 2/4/1978 ở địa chỉ Kestner str 37. 3000 Hannover 1 West Germany. Có lẽ đây là điểm khởi đầu cho mọi Phật sự sau này ở Đức. (sẽ trở lại chi tiết ở bài sau)
          2/- Với Thụy Sĩ từ năm 1978.
          Nước Thụy Sĩ có trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève. Bởi vậy chúng tôi trước tiên đến đó không phải vì Phật sự mà là vấn đề đồng bào tỵ nạn Cộng sản. Chúng tôi từ Pháp kéo qua biểu tình, tuyệt thực, cầu nguyện trước trụ sở Liên Hiệp Quốc để kêu gọi các nước tự do hãy mở rộng vòng tay đón nhận đồng bào vượt biên còn lênh đênh trên biển cả hay sống tạm cư tại các trại tỵ nạn Đông Nam Á.
          Lần đầu tiên đến Genève vào ngày 12/12/1978 và lần thứ hai đông đảo hơn, những ngày 20 và 21/7/79. Rồi nhiều lần khác sau này...
          Lễ Vu Lan được thực hiện đầu tiên cho đồng bào tỵ nạn tại Lugano 16/5/1980 và Genève ngày 21/8/1980. Lúc này đã có 2 Sư cô đến định cư tại Thụy Sĩ (tức Sư Bà Như Tuấn sau này).
          Ngày 3/5/1987 lễ Phật Đản đầu tiên tổ chức tại Trung Tâm An Lạc, Bern, thủ đô Thụy Sĩ. Ngày 7/4/1988, Đại Đức Thích Quảng Hiền (nay là Thượng Tọa) được tiếp nhận về đây định cư. Và Thầy lãnh trách nhiệm hướng dẫn Phật sự ở Thụy Sĩ cho đến bây giờ. (sẽ tiếp theo ở bài sau)
          3/- Với nước Ý từ năm 1980.
          Lugano là vùng Thụy Sĩ nói tiếng Ý ở sát biên giới với nước Ý. Vùng này đã nhận một số đồng bào tỵ nạn Việt Nam đến định cư. Chúng tôi đến đây làm lễ, và tiện đường qua Ý luôn. Qua nước Ý mới biết có một số ít đồng bào tỵ nạn được nhận vào đây. Nhưng họ sống không có quy chế tỵ nạn (như các nước Tây Âu khác) cho nên không được chánh quyền trợ cấp hay bảo hộ gì cả. Bởi lẽ, họ được vào Ý là do lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng lúc đó (Jean Paul 2) nên các tàu hải quân của Ý đang đi lại trên vùng biển Đông mới vớt một số người vượt biên đem về Ý nương nhờ nơi các cơ quan từ thiện thuộc nhiều giáo phận vùng Bắc Ý, rải rác từ Milan cho đến Venise. Do đó rất khó tập trung lại để thành một tổ chức hay làm cuộc lễ gì.
          Sau này chùa Viên Ý thành lập ở vùng Venise và một Khóa học Phật Pháp Âu Châu Kỳ thứ 16 (3-14/8/04) tổ chức tại đây. Nhưng qua các Phật sự lớn, khi trở lại bình thường thì không còn bao nhiêu Phật tử sinh hoạt nên rất khó khăn trong việc duy trì tổ chức tại đây. (sẽ tiếp sau)
          4/- Đan Mạch từ năm 1981.
          Đan Mạch là nước đầu tiên trên đường vào Bắc Âu, nếu tính từ Nam đi lên. Đan Mạch là một nước trong cộng đồng kinh tế Âu châu lúc đó, nên họ nhận một số đồng bào tỵ nạn Việt Nam, cho định cư nhiều nhất ở vùng Aarhus.
          Chúng tôi liên lạc và đến thăm đồng bào Phật tử ở vùng này. Và lễ Phật Đản đầu tiên tổ chức vào ngày 7/6/1981. Sau đó hội họp tổ chức thành Hội Phật tử Việt Nam tại Đan Mạch và Ban chấp hành làm lễ ra mắt trong dịp Đại lễ Vu Lan 12/6/82 tại Aarhus với Hội Trưởng là đạo hữu Nguyễn Xuân Quang. (sẽ tiếp theo)
          5/- Nước Áo từ năm 1981.
          Chúng tôi đến thăm đồng bào tỵ nạn Áo vào những ngày 17,18/4/81 tại Vienne. Đồng bào tỵ nạn VN ở đây không đông lắm. Một số khác còn nằm trong các trại tạm cư. Trên đường về bằng xe hơi từ Áo qua Đức chúng tôi có ghé Saint Goergen thăm đồng bào còn trong các trại lúc đó.
          Mãi đến ngày 28/3/1986 mới tổ chức được một lễ Phật Đản đầu tiên cho bà con người Việt tại Trung tâm Phật giáo Áo ở Vienne. Đến năm 1987 mới tổ chức được một Ban Chấp Hành của Hội Phật tử Việt Nam tại Áo. Nhưng thiếu một điều quan trọng là không có một vị Tăng sĩ Việt nào chịu về đây hướng dẫn các Phật sự. Do đó cứ trầm trầm chứ không vươn lên được. (sẽ tiếp theo sau)
          6/- Na Uy từ năm 1982.
          Lễ Phật Đản đầu tiên do đồng bào tỵ nạn Việt Nam xin tổ chức tại Oslo ngày 8/5/82. Sau đó tiếp tục xin tổ chức 22/5/83 lễ Phật Đản và 3/9/83 lễ Vu Lan. Quý Thầy từ chùa Khánh Anh được mời về hướng dẫn các buổi lễ nói trên. Nhưng chưa tổ chức được thành Ban Chấp Hành cho toàn Na Uy. Mỗi nơi có một Ban Chấp Hành riêng, không ai chịu lệ thuộc ai.
          Do đó qua năm sau vào ngày 12/5/84, Hội Phật Tử Việt Nam ở Bergen làm lễ Phật Đản và trình diện Ban Chấp hành trước. Các thành phố khác cũng lần lượt tổ chức Hội Phật tử Việt Nam tại địa phương và ra mắt Ban Chấp Hành.
          Đến ngày 10/12/86 Đại Đức Thích Trí Minh (nay là Hòa Thượng) được Na Uy tiếp nhận từ trại Hồng Kông.
          Và ngày 29/1/87 Đại Đức Thích Quán Không (sau khi tịch được tấn phong Thượng Tọa) đến Na Uy từ trại Thái Lan.
          Khi có 2 Thầy có mặt ở Oslo, tại đây mới bầu lại Ban chấp Hành và được công bố ngày 7/6/87. (sẽ tiếp sau)
          7/- Hòa Lan từ năm 1983.
          Sau lễ Phật Đản năm 1983, chúng tôi đi thăm một số Phật tử định cư tại Hoorn, một thành phố nhỏ nằm về phía bắc Hòa Lan. Thành phố này có rất nhiều người Việt tỵ nạn sinh sống ở đây. Lần gặp gỡ này quyết định cho 1 ngày lễ Vu Lan sắp tới được dự tính là ngày 28/8/83. Tại đây chưa có chùa cũng như chưa có Thầy, nên tạm thời mượn nhà đạo hữu Tiết Quốc Hùng làm Niệm Phật Đường.
          Năm sau lễ Phật Đản được tổ chức vào ngày 22/6/84 cũng tại Hoorn và làm lễ ra mắt Ban chấp Hành Hội Phật tử Việt Nam tại Hòa Lan với đạo hữu Nguyễn Quốc Thanh làm Hội Trưởng.
          Đại Đức Thích Minh Giác (nay là Thượng Tọa) đến Hòa Lan vào mùa Vu Lan 1986 từ trại tỵ nạn ở Thái Lan và từ đó đến nay Thầy trực tiếp lãnh đạo các Phật sự tại nước này. (sẽ tiếp sau)
          8/- Thụy Điển từ năm 1985.
          Trên đường đi xe từ Đan Mạch đến Na Uy, phải qua phà 3 tiếng và chạy trên đất Thụy Điển 2 tiếng nữa mới bước vào biên giới của nước Na Uy. Nước Thụy Điển trước 75 rất thân với chế độ Hà nội và Mặt Trận Giải phóng. Bởi vậy họ không muốn nhận người Việt Nam tỵ nạn Cộng sản. Nhưng vào thời gọi là đánh "tư sản mại bản" tống xuất người Hoa ra khỏi Việt Nam, thì Chánh phủ Thụy Điển mới nhận ra chủ trương kỳ thị của Cộng sản Việt Nam. Cho nên họ đón người Hoa vào Thụy Điển nhiều hơn.
          Lớp người Hoa này phần lớn ở miền Nam hay sinh trưởng tại miền Nam, nói được tiếng Việt và một số lớn hiểu được văn hóa tín ngưỡng Đạo Phật như người Việt. Nhất là những gia đình hỗn hợp có dâu, rể là người Việt hay ngược lại, nên mỗi khi có việc gì liên hệ đến quan, hôn, tang, tế, thì họ muốn tìm đến các chùa hay quý Thầy Việt thích hợp hơn.
          Cho nên, sau khi định cư ở Thụy Điển, những gia đình Hoa (Việt) này liên lạc về chùa Khánh Anh ở Pháp để xin các ngày lễ như Vu Lan, Phật Đản được thỉnh quý Thầy Việt đến làm lễ hay thuyết giảng.
          Do đó, sau khi làm lễ tại Na Uy, trên đường về chúng tôi ghé qua Thụy Điển vào ngày 28/9/85 để làm lễ Vu Lan tại thành phố Eskillstuna (cách Stockholm chừng 100km) nơi có nhiều người Hoa định cư. Và bên cạnh người Hoa cũng có một số gia đình Việt ra đi dưới dạng người Hoa, hoặc đổi giấy tờ người Hoa để vượt biên và được nhận vào Thụy Điển. Sau này từ năm 1988 trở đi Thụy Điển có tới 3 ngôi chùa và 3 Thầy Việt đến hoạt động mạnh mẽ hơn. (sẽ tiếp sau)
          9/- Bỉ (Liège) từ năm 1985.
          Tại thủ đô Bruxelles của Bỉ đã có 2 chùa Việt là chùa Linh Sơn thuộc hệ thống Giáo Hội Linh Sơn và chùa Hoa Nghiêm dưới sự hướng dẫn đạo sư của Cố Hòa Thượng Thích Trung Quán. Riêng tại Liège (cách Bruxelles khoảng 100km) có một Hội Phật giáo Việt Nam ra đời với đạo hữu Nguyễn Kế làm Hội Trưởng thì chưa có Thầy hướng dẫn.
          Các đạo hữu trong Hội ở đây, không biết do ai giới thiệu, họ liên lạc về chùa Khánh Anh xin mời chư Tăng sang hướng dẫn lễ Phật Đản. Đó là lý do mà chúng tôi đến làm lễ Phật Đản đầu tiên tại Liège ngày 19/5/85. Sau đó họ tìm cách thuê một nơi trong ngôi trường học để làm chùa đặt tên chùa Tuệ Giác và từ đó đến nay có liên hệ với chùa Khánh Anh và GHPGVNTN Âu châu sau này. (sẽ tiếp sau)
          10/- Phần Lan từ năm 1987.
          Phần Lan là một nước ở Bắc Âu hay đúng hơn là Đông Bắc Âu, vì biên giới phía Đông của nước này giáp với nước Nga. Về múi giờ, Phần Lan đi trước Pháp, Đức một giờ. Khí hậu dĩ nhiên là rất lạnh. Ấy vậy mà vẫn có đón nhận một số gia đình Việt Nam tỵ nạn đến định cư kể từ cuối thập niên 70.
          Mặc dầu Phần Lan lúc đó vẫn còn theo chế độ xã hội, trung lập nhưng lại là thành viên của Cộng Đồng Kinh Tế Âu Châu (và Liên Hiệp Âu châu sau này) cho nên họ mới nhận một số gia đình tỵ nạn Việt Nam. Sau này họ còn rộng rãi nhận thêm 1 số còn tồn động tại các trại tỵ nạn ở Hồng Kông (thường gọi là nhận nhân đạo). Do đó số người tỵ nạn Việt Nam đến Phần Lan tăng lên cho đến nay vào khoảng 3.000 người.
          Vào đầu năm 1987, chúng tôi được thư của Bộ Xã hội Phần Lan mời đến Helsinki để làm một buổi lễ Phật giáo cho những Phật tử Việt Nam tỵ nạn tại đây, vì không có Thầy hướng dẫn.
          Chúng tôi đến Helsinki làm một lễ cầu an và An vị Phật vào ngày 7/2/1987. Đây là một Trung Tâm mới xây cất riêng cho người tỵ nạn Việt Nam tại vùng Malmi. Trong Trung Tâm này họ lấy ra một phòng làm nơi thờ Phật như một Niệm Phật Đường. Và tôi được mời qua làm lễ An Vị Phật nơi đây. Sau đó chúng tôi nhờ bộ Xã hội của Phần Lan đứng bảo lãnh một Thầy còn trong trại tỵ nạn ở Hồng Kông đưa qua để hướng dẫn Phật tử. Và tiếp theo, lập Hội lấy tên là Hội Phật tử Việt Nam tỵ nạn tại Phần Lan. (sẽ tiếp sau)
          11/- Ái Nhĩ Lan (không nhớ rõ năm nào, có lẽ cuối thập niên 90).
          Ái Nhĩ Lan tức Irlande là một đảo nhỏ nằm sát bên trái nước Anh. Cho nên luôn luôn có sự tranh chấp với nước to tổ bố này. Nhất là về tôn giáo. Phía Bắc đảo này chịu ảnh hưởng Tin lành (Anh giáo) từ nước Anh truyền qua rất mạnh. Phía Nam theo Thiên chúa giáo La Mã. Cuộc chiến khi nóng khi lạnh, kéo dài lê thê, đến nay vẫn chưa yên. Kinh tế tương đối ổn định, nhưng người dân "Ái" thích sống tự do đi lang thang nay đây mai đó. Và trước đây còn có phong trào di dân "tỵ nạn" qua xứ khác. Cho nên, ít nhất trong lịch sử, đã có 3 đời Tổng Thống Hoa Kỳ xuất thân từ nước Ái này.
          Nhưng Ái là một thành viên của Cộng Đồng Kinh tế Âu châu (và nay là Liên Hiệp Âu châu). Bởi vậy khi có phong trào vượt biên thì có một số đồng bào Việt được nhận về đây định cư. Nghe đâu lúc đầu chỉ năm ba gia đình. Nhưng từ vài gia đình mà bảo lãnh đoàn tụ bây giờ lên con số cả nghìn người. Kinh tế thịnh hành nhất cho bà con ta là ngành "take away" tức bán thức ăn (biến chế sẵn) mang đi.
          Chúng tôi đến đây do lời mời của Ni Sư Thích Nữ Thanh Hà (bây giờ là Sư Bà, định cư ở Hoa Kỳ) làm một lễ An vị Phật nơi một ngôi nhà mà Ni Sư đã "cải gia vi Tự".
          Sau này, chúng tôi cũng có dịp sang "Ái" vài lần nữa trong các ngày lễ lớn của Phật giáo hay lễ tang của vài gia đình. Nhưng Phật tử ở đây chưa kết hợp được nên chưa phát triển được gì nhiều hơn nữa. Vả lại, vì gần nước Anh và lục địa Âu châu, cho nên thỉnh thoảng có dịp họ liên lạc và tham gia các Phật sự ở những nơi gần nhất. (sẽ tiếp sau)
          12/- Nước Nga từ năm 1993.
          Đối với chúng ta, nước Nga có cái gì hơi khác một chút. Nhất là sau khi nước Nga từ giã chế độ Cộng sản vào năm 1991 dưới thời Yelsin, thì cái nhìn về nước Nga lại còn thêm khác lạ hơn. Gần như từ một thái cực này chuyển sang thái cực khác.
          Vào mùa xuân năm 1993 bỗng nhiên tôi nhận được thư mời đi dự một hội nghị về nhân quyền tổ chức tại Mạc Tư Khoa, thủ đô nước Nga. Theo dõi trên danh sách các tổ chức tham dự, tôi thấy tổ chức người Việt khá nhiều và trong số đó người quen cũng thấy đông đông. Thế là tôi quyết định đi ngay.
          Thực ra, hội nghị chỉ là cái cớ còn chính là để có dịp quan sát, học hỏi. Nhất là có cơ hội tiếp xúc với người Việt sinh sống tại Nga, những người có tín ngưỡng nói chung và Phật giáo nói riêng.
          Khi đến Nga, tôi được đón về một nơi (nếu không lầm) gọi là Nhà Khách của Viện Hàn Lâm Khoa Học. Không có ấn tượng gì đặc biệt. Chỉ có một kỷ niệm khó quên là vào khoảng nửa đêm, một ông khách người Canada (dường như là nghị sĩ gì đó) la hoảng lên đòi đổi khách sạn khác vì ông khám phá ra trong phòng ông có nhiều con dán bò lên. Tôi bắt đầu để ý, trong phòng tôi cũng có xuất hiện như vậy. Nhưng tôi nghĩ thôi thì "nhập gia tùy tục" ít nhứt vài bữa thử xem.
          Hội nghị chẳng có gì mới lạ. Mới lạ hay không là những người Việt tôi gặp xung quanh hội nghị. Họ là những người làm việc thiện nguyện. Hỏi ra họ cũng như chúng tôi, nhân hội nghị này để gặp những người đồng hương từ các xứ lạ tới. Họ làm những việc giúp đỡ linh tinh như thông dịch khi mua đồ kỷ niệm hay chỉ dẫn đường đi taxi đến chỗ nọ chỗ kia...
          Nhân một buổi hội thảo lòng dòng gì đó, tôi lẻn ra ngoài, gặp một bác hơi lớn tuổi, tôi hỏi và nhờ bác chỉ đường ra bưu điện. Bác Việt Nam này chẳng những chỉ mà còn đích thân dắt đi luôn. Qua câu chuyện, tôi biết bác sống ở Nga khá lâu, có vợ người Nga và ông cũng là một nạn nhân của chế độ độc tài Cộng sản Việt lẫn Nga. Ông không về xứ và cũng không muốn về xứ trong lúc này. Câu chuyện của ông dài dòng lắm. Và ông hẹn một ngày nào sau hội nghị sẽ mời đến nhà thăm.
          Sau này, chúng tôi có đến nhà thăm. Biết ông là người gốc Huế, có tín ngưỡng Phật giáo. Chúng tôi đề nghị hay là ông bà đứng ra lập một nhóm Phật tử tại Nga để thỉnh thoảng mời quý Thầy qua sinh hoạt để được quen biết, học hỏi thêm về Phật pháp, nhất là lúc này không khí nước Nga có phần cởi mở.
          Không ngờ, chính đây là nhân duyên để sau này 2 ông bà đứng ra vận động thành lập Hội Phật Giáo Thảo Đường và Niệm Phật Đường tại Mat-Cơ-Va.
          Và sau đó có nhiều đại lễ Phật Đản, Vu Lan được tổ chức. Và nhiều chư Tăng Ni Việt Nam lần lượt đến hoằng pháp tại Hội Phật Giáo Thảo Đường. Rồi chế độ Yelsin đổi qua chế độ Putin, con đường thênh thang bị hạn chế, co cụm, thâu hẹp. Nhưng 2 ông bà và một số ít anh chị em Phật tử vẫn cố gắng duy trì sinh hoạt của Niệm Phật Đường. Ông đây chính là ông Nguyễn Minh Cần sau này quy y có pháp danh Thiện Mẫn. Còn bà, dĩ nhiên là có một tên Nga rất dài, nhưng cũng đã quy y có pháp danh là Thiện Xuân.          (còn tiếp) (Chưa sao lục kịp, kính chờ)

* * * * *

          Bài này do Thượng tọa Thích Nguyên Tạng, đương kim Trú trì Tu viện Quảng Đức và cũng là Giám đốc trang nhà Quảng Đức đã góp nhặt từng kỳ trên Bản Tin Khánh Anh và được Đạo hữu Thanh Phi và Đạo hữu Nhật Hưng giúp sửa lỗi chính tả từ bản đánh máy vi tính . Chân thành cảm ơn Thượng tọa Quảng Đạo, Ni sư Diệu Trạm và Đạo hữu Tâm Nghĩa đã gởi cho những bản tin Khánh Anh từ năm 2000 đến nay để hoàn chỉnh tập hồi ký này của Cố Hòa thượng Thích Minh Tâm (post vào mạng ngày 31-10-2014)

* * * * * * * * * * *

Đón đọc

Kỷ Yếu Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm (1940-2013)

 

Những Tin Cùng Chủ Đề Đã Qua:
Phỏng Vấn Ba Huynh Trưởng Cấp Dũng . . .
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 11) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 10) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 9) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 8) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 7) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 6) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 5) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt ( Kỳ 4) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
Hồi Ký Đặc Biệt (Kỳ 3) : Chùa Khánh Anh Sau 30 Năm
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HOA KỲ
TỔ ĐÌNH TỪ ĐÀM HẢI NGOẠI
615 N Gilbert Rd Irving TX 75061 - 6240 ĐT:(972)986 - 1019
Bạn là người online số:
3148978
Có -573 Khách Đang Online